Xây dựng NTM tại Thanh Hóa: Phù hợp nguyện vọng, lan tỏa sâu rộng

Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa đã đi đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng.

 

Chủ động, sáng tạo và đồng bộ

Là tỉnh có số xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) lớn nhất cả nước, với điểm xuất phát thấp lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, nhưng Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp và XDNTM là cơ hội lớn để phát triển toàn diện nông thôn. Ở mỗi thời điểm khác nhau, đối diện với không ít khó khăn, tỉnh Thanh Hóa luôn có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo và đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, người nông dân tự hào, hòa mình vào công cuộc lớn, khát vọng dựng xây và kiến tạo, làm nên bức tranh sáng trong XDNTM.

Ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa  chia sẻ: Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM trong điều kiện là công việc mới, có người còn hoài nghi, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt.

Thấy rõ những thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, cách làm bài bản, có nhiều sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là sự tự giác tham gia hưởng ứng của người dân.

Việc XDNTM được thực hiện với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ; lấy tài dân, sức dân để lo cho dân, Nhà nước đóng vai trò định hướng, giúp đỡ và hỗ trợ. Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản. Cùng với đó, hệ thống văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập, kiện toàn, tăng cường tính chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chú trọng trong phát triển nông nghiệp ở Thanh Hóa.

Bên cạnh triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và XDNTM, như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ phát triển cao su; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; khuyến khích phát triển giao thông nông thôn. Các cơ chế, chính sách được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Đổi mới diện mạo nông thôn

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với hàng loạt các chính sách ưu đãi trong xây dựng NTM, chương trình đã đi đúng hướng, đạt được thành tựu to lớn, toàn diện, phù hợp với nguyện vọng của người dân và nhanh chóng đi vào cuộc sống với sức lan tỏa sâu rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cải thiện khá hơn; số hộ nghèo giảm nhanh; thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thông tin, truyền thông, hạ tầng thương mại ở nông thôn được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.

Nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị đã đem lại hiệu quả, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” bước đầu đã có kết quả rõ nét. Các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập trong cộng đồng được duy trì và phát triển, y tế giáo dục tiếp tục được chăm lo; môi trường sinh thái nông thôn đã được quan tâm bảo vệ. Diện mạo nông thôn đã đổi mới mạnh mẽ, sáng, xanh, sạch đẹp hơn.

Đến nay, Thanh Hóa có 8 huyện, 367 xã, 937 thôn, bản đạt chuẩn NTM (722 thôn, bản miền núi); 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 thông bản NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,01 tiêu chí/xã (tăng 0,31 tiêu chí so với đầu năm). Tỉnh đã tổ chức thẩm định cho 13 xã đạt chuẩn NTM (Triệu Sơn 8 xã, Nông Cống 4 xã và Như Thanh 1 xã); 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Tỉnh đã có 30 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao…/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận